PCI Là Gì? Các Tiêu Chí Đánh Giá Chỉ Số PCI

PCI được hiểu nôm na là chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh của một địa phương. Hầu hết các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp hiện nay đều sẽ nhìn vào chỉ số PCI của địa phương đó để đưa ra quyết định đầu tư. Việc thu hút được nhiều hay ít nhà đầu tư vào địa phương sẽ phụ thuộc vào chỉ số PCI cao hay thấp. Vậy để hiểu cụ thể và chi tiết hơn PCI là gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!

  1. Khái niệm chỉ số PCI

PCI là viết tắt cho từ tiếng Anh “Provincial Competitiveness Index”, và được dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

Chỉ số PCI dựa trên các tiêu chí về chất lượng trong điều hành kinh tế và khả năng cải thiện các vấn đề về môi trường đầu tư có tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp hay không, từ đó đánh giá và xếp hạng các chính quyền của các tỉnh, thành của Việt Nam trong thời gian một năm.

Chỉ số PCI ra đời là kết quả cho sự thành công trong dự án hợp tác giữa các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố lần đầu vào năm 2005 cho 42 tỉnh thành, PCI khi đó mới chỉ gồm có tám chỉ số thành phần. Đến năm 2006, toàn bộ tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời chỉ số thành phần trong PCI cũng được bổ sung thêm hai chỉ tiêu quan trọng là thiết chế pháp lý và đào tạo lao động.

  • Tiêu chí đánh giá chỉ số PCI

Từ năm 2016 cho đến nay, chỉ số PCI dựa trên 10 tiêu chí (hay còn gọi là 10 chỉ số thành phần) sau để đánh giá và xếp hạng các tỉnh thành với nhau. Đó là:

Chi phí gia nhập thị trường: Chỉ số này dựa trên một số đo lường như thời gian đăng ký kinh doanh, thời gian nhận đủ các loại giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động, tổng số giấy phép và giấy đăng ký cần phải có, mức độ khó khăn của doanh nghiệp để hoàn tất các loại giấy tờ và thủ tục… để so sánh sự chênh lệch về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh.

Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: chỉ số này đánh giá hai vấn đề là khả năng tiếp cận và sở hữu đất đai và sự ổn định trong sử dụng mặt bằng này để hoạt động kinh doanh.

Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: là chỉ số giúp đo lường khả năng tiếp cận các văn bản pháp lý cũng như các chính sách, quy định mới hay các kế hoạch đặt ra của địa phương. Các doanh nghiệp dựa trên tiêu chí này để xem xét mức độ phù hợp và điều kiện thuận lợi có đáp ứng với ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp mình hay không, từ đó ra quyết định đầu tư hay không.

Chi phí thời gian để thực hiện quy định của nhà nước: Chỉ tiêu này sẽ xác định thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính, thời gian không hoạt động và phải tạm ngừng kinh doanh để cơ quan nhà nước kiểm tra, thanh tra.

Chi phí không chính thức: Đây là số tiền bỏ ra cho các chi phí không chính thức hoặc các chi phí bất thường trong hoạt động mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do các chi phí này gây ra đối với doanh nghiệp.

Cạnh tranh bình đẳng: Chỉ tiêu này sẽ đánh giá mức độ công bằng giữa các công ty, doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính và tính ưu tiên giải quyết các vấn đề cho các doanh nghiệp.

Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: là chỉ số đánh giá tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo cấp trên ở địa phương trong công tác thực hiện chính sách, kế hoạch cũng như trong việc đề xuất các giải pháp nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (chính sách phát triển kinh tế tư nhân): Chỉ tiêu này đánh giá các dịch vụ nhằm hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp như mở rộng thương mại, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm nhà đàu tư hay đối tác kinh doanh, công nghệ…

Chất lượng đào tạo lao động: Chỉ số này xem xét chất lượng trong công tác giáo dục, đào tạo lao động của lãnh đạo địa phương nhằm phát triển kỹ năng, trình độ cho người lao động để người lao động dễ dàng tìm việc làm hơn.

Thiết chế pháp lý: Là chỉ số giúp đo lường độ tin tưởng của doanh nghiệp đối với hệ pháp luật, tư pháp của tỉnh và mức độ hiệu quả của công cụ thiết chế pháp lý này trong giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại của doanh nghiệp.

Hiểu rõ về chỉ số PCI là gì cũng như các chỉ tiêu đánh giá chỉ số PCI có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành ở Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tham khảo để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, cũng là một động lực để địa phương cải cách môi trường kinh doanh chất lượng hơn.